Vụ án đánh người gây thương tích tại trụ sở công an phường

Lãi suất trong hợp đồng vay dân sự

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Về lãi suất giới hạn: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn như trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, lãi suất giới hạn là lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự. Lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm (tức 1,67%/tháng) của khoản tiền vay.

Tội cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

Tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phạm tội cho vay nặng lãi.

Như vậy, người phạm tội có thể bị xử lý hình sự nếu thực hiện hành vi cho vay với lãi suất trên 100%/năm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc cho vay với lãi suất trên 100%/năm và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mức phạt với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

- Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với tội cho vay nặng lãi như trên.

-  Phạt tiền từ 200 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tóm lại, hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo lãi suất, số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội cho vay nặng lãi nhận được. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Sau hơn một năm bị bắt, Đường "Nhuệ" 3 lần hầu tòa, lĩnh tổng mức án 7 năm tù; còn Dương bị đưa ra xét xử 2 lần và đang chấp hành mức án 4 năm 6 tháng tù.

TAND tỉnh Thái Bình dự kiến ngày 17/11 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 50 tuổi), Nguyễn Thị Dương (41 tuổi, vợ Đường) cùng 5 bị cáo về hành vi cưỡng đoạt tiền hỏa táng.

Trước đó, vợ chồng Đường liên quan 4 vụ án khác với các tội danh Cố ý gây thương tích; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Xâm phạm chỗ ở của công dân.

Tháng 4/2020, dư luận xôn xao trước thông tin Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Xuân Đường về tội Cố ý gây thương tích. Khám xét nhà bị cáo và cũng là trụ sở Công ty Bất động sản Đường Dương, cơ quan chức năng phát hiện nhiều giấy tờ liên quan tới hoạt động cho vay lãi nặng, ăn chặn tiền hỏa táng, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Trước khi bị bắt, vợ chồng Đường - Dương có tiếng trong lĩnh vực cho vay lãi nặng và kinh doanh bất động sản tại Thái Bình. Đặc biệt, Đường "Nhuệ" thường xuyên trúng đấu giá đất tại các dự án như nhà máy bia cũ hay khu đất phía sau Bệnh viện Lâm Hoa ở TP Thái Bình.

Nhà riêng của vợ chồng Đường "Nhuệ" và cũng là trụ sở Công ty Bất động sản Đường Dương. Ảnh: N.H.

Theo người dân Thái Bình, trong các phiên đấu giá đất, cặp đôi này thường xuất hiện cùng các đàn em. Dương trực tiếp vào phòng đấu giá, còn Đường và đàn em ở bên ngoài. Nhóm này thường đe dọa người tham gia đấu giá, ép họ ra giá thấp hoặc đe dọa họ phải rút hồ sơ.

Bằng phương thức trên, cặp đôi này từng trúng hàng chục lô đất tại các phiên đấu giá rồi lập tức bán sang tay cho người khác với giá cao hơn. Hồi tháng 3/2020, hơn 700 hồ sơ xin đấu giá 46 khu đất tại huyện Kiến Xương (Thái Bình) nhưng riêng gia đình Đường "Nhuệ" trúng hơn 30 lô.

Trên mạng xã hội, cặp đôi này thường đăng tải hình ảnh làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo và có quan hệ với nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.

Ngoài ra, Đường "Nhuệ" có mối quan hệ với các "giang hồ mạng" như Phú Lê, Dũng "Trọc", thường xuất hiện trong một số clip về đề tài đạo nghĩa giang hồ phát trên YouTube. Trong phim, Đường hóa thân trong vai đầu gấu, xã hội đen hoặc làm cố vấn võ thuật.

Đằng sau những hình ảnh hào nhoáng, người dân Thái Bình tố cáo Đường cùng đàn em có hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê và thường đánh đập, gây thương tích người khác.

Cuối năm 2014, bà Đinh Thị Lý (ở TP Thái Bình) cùng con trai gửi đơn đến Công an TP Thái Bình tố cáo bị Đường "Nhuệ" hành hung ngay trụ sở Công an phường Trần Lãm. Đầu năm 2015, công an sở tại ra quyết định khởi tố vụ án nhưng nửa năm sau đã đình chỉ điều tra.

Tới tháng 4/2020, vụ án mới tiếp tục được điều tra, truy tố. Tại phiên xét xử ngày 18/8/2020, TAND TP Thái Bình tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Đây là vụ án đầu tiên liên quan tới Đường "Nhuệ" được đưa ra xét xử.

Nguyễn Xuân Đường tại phiên tòa ngày 18/8/2020. Ảnh: H.L.

Một tuần sau, Đường, Dương cùng 4 đàn em bị TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử cũng về tội Cố ý gây thương tích liên quan tới vụ hành hung anh Trịnh Ngọc Anh (nhân viên nhà xe Phúc Cường) tối 31/3/2020. Vụ án này là tiền đề để Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khám xét nhà và phát hiện thêm nhiều chứng cứ liên quan tới những hành vi phạm tội khác của các bị cáo.

Kết thúc phiên xét xử, Đường "Nhuệ" bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù, còn Dương phải chấp hành mức án 3 năm tù.

Tới ngày 18/9/2020, Nguyễn Thị Dương cùng 4 cán bộ ở Thái Bình hầu tòa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan tới vụ đấu giá đất tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thái Bình. Bị cáo sau đó lĩnh 18 tháng tù về tội danh này.

Sau hơn một năm gián đoạn, đến ngày 18/10/2021, Đường "Nhuệ" tiếp tục hầu tòa. Đường bị ông Nguyễn Văn Lẫm (ở TP Thái Bình, chủ Công ty Lâm Quyết) cùng vợ là bà Phạm Thị Quyết tố xâm phạm, chiếm giữ trái phép Công ty Lâm Quyết để đòi nợ. Đường bị xét xử về tội Xâm phạm chỗ ở của công dân. Sau một ngày xét xử, Đường "Nhuệ" bị tuyên án 12 tháng tù.

Tổng hợp hình phạt từ các vụ án trước, mức án mà Đường "Nhuệ" cùng vợ phải chấp hành lần lượt là 7 năm và 4 năm 6 tháng tù.